Tướng Công, Chàng Cũng Sống Lại Sao?

Chương 5: Chương 5:


Edit: Tê Tê Team (Tà chiquito)

Ngày cúng tuần* Từ thái phu nhân Nguyễn thị, trời cao hợp thời cho mưa rơi lất phất.

[*] Cúng tuần: Cúng tuần cho người mới mất lần thứ nhất sau 7 ngày gọi là sơ thất, là một nghi thức tâm linh có nguồn gốc từ Trung Quốc cứ bảy ngày cúng một lần, cho đến 49 ngày.

Bắc Sơn, trước mộ tổ Từ gia, con cháu dâng hương tế rượu, tụng kinh sám hối, bạn bè thân thích dâng minh tệ* (tiền âm phủ), hương, nến.

Không ai chú ý trong hơn trăm người trong lễ truy điệu có thêm một vị thanh niên vóc người cao lớn, râu mọc lún phún.

Người đó mặc trường bào màu xám tro, hơi dính chút mưa, ánh mắt vô thần quan sát từng ngôi mộ.

Cuối cùng, tầm mắt dừng lại trên một bia đá mới lập, nhìn dọc theo từng câu từng chữ họ tên, quê quán, gia thế, ngày tháng từ trần của Từ thái phu nhân và trượng phu tảo vong (chết sớm).

Trên bia ghi, Từ công tên Hách, tự (tên chữ) Chi, hiệu (tên gọi) Tham Vi, con thứ ba của Bình Viễn Tướng quân, bất ngờ qua đời năm 19 Kiến Phong, cách đây 35 năm.

Khi còn sống văn võ song toàn, sở trường đứng đầu sử sách, được hai triều đại Hoàng đế truy phong “Đại học sĩ điện Văn Hoa” và “Ninh An hầu”.

Những con chữ chói mắt như đâm vào tim.

Thanh niên quay đầu nhìn đám con cháu Từ gia đang khóc thảm, môi mỏng khẽ mím, đôi tay nắm thành quyền cứ buông lại siết, nhiều lần muốn bước ra, nhưng cuối cùng vẫn không lại gần.

Mấy người trung niên tiến lên lễ trước mộ, nam tử khí phách hiên ngang là Hồng Lãng Nhiên, phụ nhân nước mắt lã chã là thái phu nhân Lam gia Tiêu Đồng, còn có danh gia tranh hoa điểu tuấn dật nho nhã Nguyễn Tư Ngạn…

Bọn họ hoặc mặc niệm hoặc lau nước mắt, ngươi một lời ta một lời, thảo luận người đã mất, nhớ nàng mà nàng không biết.

Mà hắn, chỉ có thể trốn sau đoàn người, ngụy trang thành khách qua đường, không có cả tư cách quang minh chính đại khóc cho nàng.

Nước mưa che giấu rất tốt nước mắt trên mặt hắn.

Sau lễ, thanh niên như du hồn theo đoàn khách bái tế xuống núi về thành, ngơ ngác đi vào một tửu lâu lớn, ngơ ngác lên lầu hai.

Không có người dò hỏi thân phận hắn, không ai quan tâm.

Hắn là người dư thừa nhất trên đời, không lui tới, không tương lai, không chốn dung thân.

Quãng đời còn lại xem như con nhạn bơ vơ lạc đường, một mình bay qua xuân hạ thu đông, không ngừng nghỉ giữa non sông Nam Bắc, dù có ngàn cây cũng không có cành để đậu.

Mắt thấy thanh niên ngồi một mình một góc, từ chối trò chuyện với người khác, uống một chén lại một chén rượu, tiểu nhị trong quán xì xào bàn tán.

“Người kia là ai? Ngồi nửa ngày rồi còn chưa đi! Trà trộn vào khách tới lễ truy điệu lừa ăn lừa uống?”

“Hình như đã gặp ở đâu rồi? Thôi thôi, đương gia đã dặn dò, phải đón tiếp thật tốt!”

Sau giờ ngọ, tân khách tới lễ tế dần tản đi, còn sót lại vài tên thư sinh làm dáng, uống rượu luận thơ.

Khi hứng thú sục sôi, tiểu nhị hăng hái mang giấy bút lên phục vụ.

Thanh niên dựa bàn nhắm mắt hồi lâu, loạng choà loạng choạng đứng dậy, lê bước lảo đới tới vách tường trắng như tuyết, lẩm bẩm một mình.

“Vừa trải qua nửa cuộc đời, nhà không phải nhà, tri giao* lác đác, gặp lại không thấy nhau, ruột đau chín khúc, đứt từng khúc ruột… Khi nào trùng phùng dưới suối vàng, vi phu không có nàng bên cạnh như chó mất chủ, hoảng sợ như chim sợ cành cong…”

[*] Tri giao: Bạn thân, tri kỷ

Hắn đi ngang qua bàn người đọc sách kia, tiện tay cầm lấy bút và mực dự phòng, thành thạo chấm mực, xoay tay điểm thẳng lên vách tường.

Đám tiểu nhị trong quán kinh ngạc thốt lên: “Làm gì đó! Chớ làm loạn…”

Thế nhưng khi đầu bút lông hạ xuống, nét suân đậm và nét suân dài hiện ra trên vách tường, mọi người nhất thời im bặt, ngay cả những người ngâm thơ cũng lập tức dừng lại.

Bên trong tửu lâu yên lặng như tờ.

Thanh niên dựa vào cảm giác say vung bút tự nhiên, dường như đang ở khung cảnh không một bóng người, vung tay nhấc chân như mây khói.

Trong thời khắc quên mình, hắn hoàn toàn không lưu ý, đường nét mềm mại cứng rắn to nhỏ khác nhau từ đầu bút họa ra, cũng không biết là ai đã nghiền mịn mực mới cho hắn.

Niềm thương nhớ đọng lại trong lòng toát ra từ ngòi bút, nghệ thuật nhập vào xuất ra, bút tùng lay động, ẩn chứa mưa xuân ẩm ướt, gió thu khô nứt.

Vách tường vôi trắng dài gần một trượng (= 4 mét) sau đó bị vấy bức họa mực đen, hắn dịch người chếch về phía bên trái nơi không có ai.

Mọi người nín thở, chờ đợi hắn điền vào lạc khoản (ký tên).

Tay hắn ngừng giữa không trung, nở nụ cười đau thương, quăng bút vào đồ rửa bút.

Sau đó, không nói lời nào, lảo đảo đi qua đám người tụ tập vây xem trước sau vẫn không lên tiếng.

Rời đi không quay đầu lại.

*****

Đêm đó, ba bức thư được gió đầu hạ thổi vào Lan Viên, nhẹ nhàng lướt qua hạ xuống trên trường án (bàn dài) của Nguyễn Thời Ý.

Một là Vương hậu Xích Nguyệt quốc phượng thể không khỏe, chỉ ở lại ba ngày liền quay về, tiểu công chúa mới 15 tuổi thay mẫu thân giữ đạo hiếu.

Vì thế mà tâm tư Nguyễn Thời Ý nhảy vọt, vừa tiếc không lợi dụng khuôn mặt trẻ tuổi gặp lại nữ nhi, lại vui mừng vì ngoại tôn nữ ở lại Kinh thành lâu dài.

Hai là, thiên kim tiểu thư Lam gia hẹn nàng buổi trưa ba ngày sau tụ họp tại Tùng Hạc lâu.

Thái phu nhân Lam gia Tiêu Đồng nguyên là tri kỷ chốn khuê phòng của Nguyễn Thời Ý, cực lực giúp đỡ khi Từ gia gặp nạn, cho nên phần đầu tiên của Vạn Sơn Tình Lam đồ là nàng ấy bảo quản.

Không biết làm sao Lam thái phu nhân tính tình nóng nảy quật cường, cãi vã chuyện liên hôn của con cái với Nguyễn Thời Ý đến mức căng thẳng, thậm chí buông ra lời nói tàn nhẫn “Khi ta chết cũng đừng để nàng tới lễ truy điệu”.

Nguyễn Thời Ý giận dữ, suy xét chuyện lấy lại Tình Lam đồ, lại sợ thêm dầu vào lửa, dẫn đến triệt để chia cắt hai nhà.

Trùng hợp sau đó, trưởng tử hai bên đều đảm nhiệm chức vụ trong cung, vì vậy đôi tỷ muội này lờ nhau đi, thi thoảng nói bóng gió, biết được tình trạng gần đây của đối phương từ miệng các con.

Nguyễn Thời Ý có ý định mượn danh nghĩa mình qua đời để đòi hai bức Tình Lam đồ về. Nàng e ngại Hồng Lãng Nhiên khó đối phó, nên lựa chọn xuống tay với tiểu bối Lam gia, “ngẫu nhiên gặp” trưởng tôn nữ của Tiêu Đồng hai lần, hẹn ngày khác trò chuyện.

Ba là chưởng quỹ Từ gia Trường Khánh Lâu đến báo, buổi chiều có nam nhân sau khi uống rượu vẽ lên vách tường, khiến vô số người tranh nhau vây xem.

Nguyễn Thời Ý cười thầm chưởng quỹ chuyện bé xé ra to.

Trong nhận định của đa số mọi người, trong người Từ nhị gia chảy dòng máu của hai đại danh gia Từ gia và Nguyễn gia, được ngưỡng mộ tán thưởng tiền đồ vô lượng.

Quanh năm suốt tháng, nhiều người từ các nơi chạy đến tửu lâu quán Từ gia khoe khoang, hại bọn tiểu nhị cố sống cố chết đề phòng, miễn khỏi cứ hở ra tí là bị vẽ bậy lên tường.

Không biết vì nguyên nhân gì hậu bối Từ gia lại không có sở trường hội họa.

Chuyện nhỏ “vẽ tranh trên tường” này, Nguyễn Thời Ý không để tâm mấy.

Mấy ngày sau, Trường Hưng lâu lại có tin tức ―― họa sư đến ngắm nghía tửu lâu chen chúc con kiến chui không lọt, chưởng quỹ phải lập ra quy định, không phải khách dùng bữa không được tùy ý đi vào.

Từ đó, chuyện buôn bán đặc biệt thịnh vượng, xếp hàng dài đến cuối đường, rước tới tiếng oán than dậy đất của các cửa hàng xung quanh.

Nguyễn Thời Ý hơi ngạc nhiên: kẻ khoe khoang này… hình như cũng có chút lai lịch!

Nàng định xem là tác phẩm thần thánh cỡ nào thì trùng hợp tiểu thư Lam gia phái người báo tin, mời nàng đổi địa điểm hẹn tới Trường Hưng lâu.

Vừa vặn một công đôi việc.

Hôm sau, Nguyễn Thời Ý vừa xuống xe ngựa đã nghe thấy tiếng khách nhân Trường Hưng lâu cảm thán tác phẩm trên tường.

“Bút pháp vững vàng xúc tích, màu mực uyển chuyển mềm mại, kỹ xảo đẹp tự nhiên… Rất giống thói quen của Tham Vi tiên sinh!”

“Không sai! Nhưng nét suân mang cảm giác tiêu điều, như đang ôm nỗi cô đơn tịch mịch bất tận.”

“Lão hủ cũng thấy vậy, tuy là bất kính nhưng có thể nói là ‘Trò giỏi hơn thầy’.”

Trong mắt Nguyễn Thời Ý hiện lên mây đen: Ai? Ai cố ý chạy tới phá hoại?

Hai nha hoàn đỡ nàng vào phòng trong lầu hai, tránh tầng tầng lớp lớp người thưởng thức, cuối cùng cũng coi như nhìn được họa tác*.

[*] Tác phẩm hội họa

Dãy núi trùng điệp, thảo đình thấp thoáng giữa rừng cây núi đá, cánh rừng sum suê như ẩn như hiện dưới ngọn núi. Cây cầu bắc ngang khe suối, phong cảnh um tùm một màu xanh sẫm. Nhuận bút* và bút khát mực** tôn lên điểm đặc sắc của nhau, một bên âm u thăm thẳm hòa hợp một bên ẩn sâu tâm ý cô tịch.

[*] Nhuận bút: Không phải thù lao, từ này mình để theo convert. Một hành động ngâm bút vào nước để hút mực dễ hơn, cảm giác tròn hơn khi viết.

[**] Bút khô/khát mực: Một kỹ thuật vẽ cổ nhất của Trung Quốc để thấm mực mà không thấm nước.

Rõ ràng chỉ vẽ một vài ngọn núi, lại khiến người ta nhìn thấy ẩn giấu muôn sông nghìn núi (khó khăn gian khổ), cũng cảm nhận được nội tâm cô quạnh.

Thời khắc này, đáy lòng Nguyễn Thời Ý sinh ra cảm giác thê lương và thán phục.

Chẳng trách họa sư, tàng gia (người sưu tầm) đổ xô chen chúc nhau mà đến!

Người này vừa có tài nghệ tinh xảo của Từ Hách, lại càng có khí thế hào hùng trời sinh, không thể khinh thường!

Thấy bức họa không có lạc khoản cũng không đề chữ, Nguyễn Thời Ý thấp giọng hỏi: “Họa sư có để lại tên không?”

Chưởng quỹ lo lắng không yên: “Theo tiểu nhị kể, người kia đi cùng khách tới lễ truy điệu, chỉ uống rượu, không ăn cơm, không trò chuyện. Nằm nhoài lên bàn ngủ hơn nửa canh giờ, bỗng nhiên đoạt bút mực vẽ tranh, không quản cản trở, trực tiếp hạ bút.”

“Tiểu nhân nghe việc này, kinh ngạc chạy lên lầu, thấy tuổi người này không lớn lắm, để râu ngắn, ăn mặc đơn giản, có vẻ tinh thần sa sút, nhưng phong độ ưu việt không nhiễm bụi trần. Không ngờ khi hắn cầm bút lên thì không nói lời nào, vẽ liền một mạch xong tự mình nghênh ngang rời đi."

Nguyễn Thời Ý khó mà đoán được mục đích của đối phương.

Ỷ vào tài nghệ phi phàm, thị uy hậu nhân Từ gia để nổi danh hay là… Chỉ đơn thuần đi qua.

“Muội tử Nguyễn gia, thưởng họa nhập tâm như thế sẽ không phải là định đứng đến trưa đấy chứ?” Một giọng nữ trong trẻo có ý trêu đùa.

Nguyễn Thời Ý đổi khuôn mặt tươi cười, xoay người lại bắt chuyện.

Lam Hi Vân một mình tiến đến, cả người mặc thường phục màu xanh, tóc vấn trâm ngọc thành búi gọn gàng, ngũ quan ngay thẳng dũng cảm.

Nàng xuất thân nhà võ tướng, mới 18 tuổi đã đảm nhiệm Phó trưởng Thị vệ Đại Lý Tự, giơ tay nhấc chân đều biểu lộ tư thế oai hùng.

Nàng ngắm bức tranh thủy mặc trên tường vài lần: “Ôi! Đây chính là bức họa dấy lên bàn tán trong thành, khiến ta hiếu kỳ nhờ muội đổi địa điểm. Trước ăn bữa cơm cái đã, không ngại chứ?”

"Tỷ tỷ đừng cười muội chiêu đãi không chu toàn là được."

Nguyễn Thời Ý cải tử hồi sinh, trẻ lại đã hơn 50 ngày có lẻ, nàng thu hồi vẻ trang nghiêm của thái phu nhân, lời nói hành động ngày càng giống người trẻ tuổi.

Nàng lễ phép mời Lam Hi Vân ra sau bình phong ngồi, dâng trà gọi món, thiết đãi khiêm nhường.

Lam Hi Vân quan sát nàng một lát, cười nói: “Cô nương nội liễm trầm ổn, không khoe mẽ, chẳng trách bên ngoài phỏng đoán đủ loại.”

“Lam tỷ tỷ đến để xác minh suy đoán?”

“Không phải vậy.” Lam Hi Vân chuyển đề tài, “Nghe nói Từ gia đã đòi lại được mảnh Vạn Sơn Tình Lam đồ trong tay An Định Bá phu nhân, nay giao thiệp với người Lam gia, chắc hẳn… Có liên quan ít nhiều tới bức họa này.”

Nguyễn Thời Ý nghe nàng ấy nói thẳng không vòng vo.

“Không dám không nghe theo di mệnh của thái phu nhân. Hơn nữa, ân oán của thế hệ trước là do xung đột lời nói thời trẻ vì ý tưởng không đồng nhất, đã đến lúc tiêu tan khi trưởng lão qua đời.”

Thấy Lam Hi Vân không bác bỏ tâm ý, Nguyễn Thời Ý nói tiếp: “Từ đại công tử quan hệ thân thiết với lệnh đệ, tiểu muội cũng ngưỡng mộ Lam tỷ tỷ nữ trung hào kiệt đã lâu, nên muốn… Nếu có duyên, có thể thân hơn, ngày sau may mắn có cơ hội tiếp kiến Lam thái phu nhân.”

Nàng kết giao với người Lam gia, một nửa vì Tình Lam đồ, một nửa là thật lòng gắn bó tình nghĩa.

Đặc biệt biết được Tiêu đồng kinh ngạc nghe tin mình mất, khóc lớn một thời gian, cho dù phúng viếng hay bái tế đều mang bệnh đi đến, có thể thấy đã sớm vứt sau gáy lời vô ích “Cả đời không qua lại với nhau”.

“Vậy… Vì sao các ngươi lại khiến An Định Bá phu nhân khó xử ngoài cửa Từ phủ?” Lam Hi Vân cười như không cười.

“Tỷ tỷ muốn đòi lẽ phải thay An Định Bá phu nhân tại đây?” Nguyễn Thời Ý giọng điệu bình tĩnh, “Tỷ tỷ có thể cười ta trẻ người non dạ, làm theo bản tính, nhưng ngày đó có cả các vị tôn giả* Từ gia, chẳng lẽ Từ đại nhân, Từ đại phu nhân, Từ nhị gia cũng không có chừng mực?”

[*] Tôn giả: Thứ bậc trên, cách gọi tôn trọng.

“Nói cũng đúng.” Lam Hi Vân bưng cái chén uống cạn một hơi, “Ta tự biết không nên nghị luận về trưởng bối, nhưng An Định Bá phu nhân chạy đến trước mặt tổ mẫu ta khóc lóc kể lể, nhắc nhở lão nhân gia, Từ gia ắt sẽ đến cửa đòi tranh… Còn cố ý nhắc tới muội, ám chỉ muội lai lịch không rõ, quả thực có ý gây hiềm nghi xích mích chia rẽ.”

“Cũng nhờ có lời nói của nàng làm ta hiếu kỳ về muội. Sau khi gặp mặt cảm thấy muội xinh đẹp, thông suốt chu toàn, cũng không phải hùng hổ dọa người như trong tưởng tượng, hoàn toàn không giống đám thiên kim danh môn làm bộ làm tịch, ta thực lòng rất yêu mến.”

Nguyễn Thời Ý mỉm cười.

Cảm giác chất phác thẳng thắn này quá quen thuộc! Giống Tiêu Đồng thời trẻ như đúc!

Lam Hi Vân nói tiếp: “Nhưng ta ở Lam gia mười mấy năm chưa từng thấy Tình Lam đồ, việc này muội nên nói với tổ mẫu ta thì hơn!”

"Làm phiền tỷ tỷ dẫn kiến (Giới thiệu gặp mặt)."

Thời gian gặp mặt một chén trà ngắn ngủi, đi thẳng vào vấn đề, bớt đi nhiều nghi lễ xã giao lòng vòng.

Lam Hi Vân và Nguyễn Thời Ý vừa gặp như đã quen lâu, không gì giấu diếm.

Nguyễn Thời Ý vui vẻ, tán gẫu về ẩm thực, phong cảnh gần Kinh thành, nhớ về thời gian ở cùng Tiêu Đồng, lại cảm thán duyên phận thật tài tình.

Thong dong thưởng thức đồ ăn, chợt nghe dưới lầu náo động, thực khách lầu hai nhao nhao ngừng đũa ngừng chén, rời chỗ đến bên cửa sổ hóng hớt hoặc chạy xuống lầu tham gia trò vui.

Hai người bốn mắt nhìn nhau, đang định cho nha hoàn tìm hiểu thực hư, lại thấy chưởng quỹ vội vàng chạy tới, nhỏ giọng bẩm báo: “Nguyễn cô nương, có người đến xin lỗi, nói uống say vẽ lên tường chúng ta, còn khăng khăng muốn bồi thường tiền…”

Tâm trạng Nguyễn Thời Ý nhảy vọt: Chiêu này thật mới mẻ! Vẽ tranh không đề tên, sau khi thành công gây sự chú ý của mọi người mới giả vờ giả vịt, long trọng lên sàn?

Khóe môi nàng lơ đãng cong lên, giọng nói mềm mại kéo dài: “Đúng lúc ít khách, sao không mời hắn vào uống chén trà?”

Đọc đầy đủ bản convert được dịch hay nhất truyện Tướng Công, Chàng Cũng Sống Lại Sao?