Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ TuổI

Chương 3: Bức thư thứ ba


Viareggio, gần Pisa (Ý đại lợi)

Ngày 23 tháng tư, năm 1903.

Ông thân mến, bức thư dịp Phục sinh của ông đã khiến lòng tôi sung sướng vô ngần. Thư ấy đã nói cho tôi nhiều điều thú vị tuyệt vời về con người ông. Những gì ông nói về nghệ thuật vĩ đại thâm thiết của Jacobsen đã cho tôi thấy rõ rằng tôi đã không lầm khi hướng cuộc đời ông, và tất cả những vấn đề phức tạp của đời ông, đi về tâm hồn tràn đầy phong phú ấy.

Truyện “Niels Lyhne” giờ sẽ mở ra trước ông, một quyển sách huy hoàng thâm thúy. Mình càng đọc nó nhiều chừng nào, mình càng cảm thấy tất cả mọi sự đều nằm sẵn trong đó: từ mùi thơm nhẹ nhàng nhất của đời sống cho đến mùi vị ngây ngất thoát từ những trái ngọt nặng chĩu nhất của đời sống. Không có gì mà lại không được hiểu, lãnh hội, cảm nhận, tri nhận trong ấy, tri nhận theo âm hưởng rung động của kỷ niêm. Bất cứ biến cố nhỏ bé nào trong ấy đều dàn trải ra như một màn tơ mênh mang huy hoàng mà mỗi sợi tơ đan dệt cùng trăm sợi tơ khác, chằng chịt nhau nhờ một bàn tay dịu mềm vô cùng. Ông sẽ cảm thấy hạnh phúc vô vàn lúc đọc quyển ấy lần đầu tiên. Ông sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, như là đi trong mộng. Rồi tiếp theo đó, tôi cũng có thể nói rằng lúc đọc những trang ấy ông vẫn bước đi ngỡ ngàng sửng sốt ngạc nhiên như vậy, vì không có trang nào đánh mất không khí diễm ảo thiên thai, huyền lực lạ thường của buổi hội ngộ đầu tiên. Mỗi lần đọc lại là thấy sảng khoái kỳ lạ hơn nữa. Những trang văn ấy khiến ông luôn luôn cảm thấy tri ân, cảm thấy mình tốt đẹp hơn lên, nhìn đời giản dị hơn, sống hạnh phúc hơn và cao lớn hơn.

Rồi ông hãy đọc tiếp tác phẩm tuyệt diệu về tính mệnh và những đam mê của Marie Grubbe, đọc những bức thư của Jacobsen, những trang Nhật ký, những đoạn văn rời rạc và sau cùng hãy đọc những vần thơ của ông ấy, mặc dù dịch giả không lột tả hết được tinh thần, những vần thơ vẫn giữ lại những âm hưởng vô hạn. (Sẵn dịp tôi khuyên ông hãy mua luôn trọn vẹn tác phẩm của Jacobsen, ông có thể tìm tất cả mọi sự trong đó – Trọn vẹn tác phẩm được xuất bản thành ba cuốn, được dịch rất đàng hoàng, do nhà Eugène Diederichs ở Leipzig và chẳng tốn kém bao nhiêu).

Nói về “những hoa hồng đáng lẽ phải được cuất hiện như thế này ở nơi đây” (tác phẩm nhạy cảm và được kết cấu qua hình thái rất tài tình), ông hoàn toàn có lý về tác giả bài giới thiệu ấy. Sẵn đây, tôi xin van ông một việc. Đừng nên đọc nhiều loại văn phê bình họăc thẩm mỹ học. Đó chỉ là những sản phẩm của óc bè phái khô cứng như đá, vô nghĩa, thiếu sinh lực; nếu không thì đó chỉ là những ngón chơi chữ tài tình; hôm nay thì học theo ý kiến này, ngày mai, thì ý kiến ngược lại được họ đề cao tán tụng ồn ào. Những tác phẩm nghệ thuật thoát nguồn từ nỗi cô đơn vô hạn của con người; không gì tai hại nguy hiểm bằng sư phê bình văn nghệ. Chỉ có tình yêu, tình thương, là mới đi vào được tác phẩm nghệ thuật, lãnh hội ý nghĩa, bảo tồn, công chính với những tác phẩm ấy. Hãy tin cậy vào tình cảm ông trong việc chống đối với những sự phân tích ấy, những bài bình phẩm đúc kết ấy, những phần giới thiệu phê bình ấy. Dù ông có sai lầm đi nữa, sự trưởng thành tự nhiên của đời sống nội tâm ông sẽ hướng dẫn ông một cách chậm rãi, bình thản, thong dong, đến một trạng thái tri thức khác hẳn. Hãy để những lời bình phẩm của ông được phát triển thích đáng, trầm lặng. Đừng chống đối những khuynh hướng tâm tư mình; vì, giống như tất cả sự tiến triển tâm tư, sự trưởng thành tân hồn ông phải xuất phát từ sâu thẳm con người ông và không nên bức bách nó, hối thúc nó. Chịu đựng cưu mang cho tới cùng, rồi sinh nơ: tất cả mọi sự nằm ở đó. Ông phải để mỗi một ấn tượng, mỗi một mầm mống cảm tình được chím mùi trong hồn ông, chín mùi trong bóng tối, trong vô ngôn, trong vô thức, những cõi vùng đóng kín mà tri thức không thể đi vào được. Hãy chờ đợi một cách khiêm tốn và kiên nhẫn, chờ đợi giờ phút khai sinh ánh sáng rực ngời mới lạ. Nghệ thuật đòi hỏi những người thưởng ngoạn cũng phải như những nhà sáng tạo.

Ở đây, thời gian không thể làm tiêu chuẩn đo lường. Một năm có kể gì; mười năm không là gì cả; khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là không tính toán, không kể số: khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là nẩy nở như một cây lá không hề bức thúc nhựa cây, đứng vững lại một cách tín thành trong tất cả những ngọn gió lớn của mùa xuân, không hề sợ hãi nao núng rằng mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ nào biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình. Tôi đã học được điều ấy mỗi ngày bằng bao nhiêu cơn đau đớn, bằng bao nhiêu nỗi đau khổ mà tôi vẫn cảm ta: Kiên nhẫn vẫn là tất cả.

Richard Dehmel – Khi đọc ông ấy cũng như khi gặp ông ấy (thỉnh thoảng tôi cũng có gặp ông ta) lúc đọc được những trang tuyệt vời, tôi lại lo sợ những trang tiếp theo sau phá hủy tất cả những gì đi trước, biến đổi lại những gì tuyệt vời thành ra xấu xa tệ hại. Ông đã định nghĩa ông ấy rất đúng: “sống và sáng tạo trong tâm thái động tình” – Đúng đấy, đời sống sáng tạo rất gần gũi với đời sống tình dục, gần gũi với những nỗi đau đớn, những cơn khoái lạc và phải nhận thức rằng cả hai hình thức đều cùng một nhu cầu duy nhất, một mê cảm khao khát duy nhất. và nếu thay vì chữ “động tình” mình có thể viết lại chữ “tình dục” trong ý nghĩa thuần khiết, trong sạch, cao đẹp rộng rãi của chữ này, thoát ra ngoài những tỵ hiềm của Giáo hội. Nếu hiểu “tình dục” như thế thì nghệ thuật của Dehmel trở nên cao sâu và nguyên thủy hơn. Sức mạnh thi ca của ông vĩ đại, mãnh liệt như một bản năng. Nó mang những nhịp điệu riêng biệt cuồng dại: nó bắn nước như phun vọt lên từ những tảng núi nào đó.

Nhưng rất tiếc là sức mạnh ấy không phải luôn luôn thành thực, nó có cái gì đỏm dáng, làm dáng trong ấy (đó là một trong những thử thách lớn lao nhất của con người sáng tạo: hẳn phải hoàn toàn không biết gì về những tài năng thiên phú của mình, không hề tiên cảm gì cả, vì hẳn dễ đánh rơi mất lòng thuần khiết trong sạch của tài năng mình). Khi sức lực vũ bão đưa ông ấy đối mặt với tình dục, Dehmel không hoàn toàn thuần khiết trong sạch như đáng được mong đợi. Thế giới tình yêu ông không hoàn toàn chín mùi, không hoàn toàn trong sạch, không mang đủ nhân tính lắm; đó chỉ là bản năng của giống đực: đó là động giao, say sưa ngây dại, bất an lo âu, sảng sốt: ông ấy đã mang những thành kiến, những lề lối nào đó mà khiến cho tình yêu không còn giữ nguyên nét mặt trọn vẹn của nó nữa. Bởi vì ông ấy chỉ thể nghiệm tình yêu giống đực, chứ không phải như con người toàn diện; vì thế, trong tình yêu ông ấy, chứa đựng một cái gì chật hẹp, man dại, thù hằn, nhất thời: không có gì vĩnh cửu trong ấy và điều đó đã hạ thấp nghệ thuật ông ta, khiến nghệ thuật ông ta trở nên mơ hồ khả nghi. Nghệ thuật ông ấy không phải hòan toàn không có khuyết điểm: nó mang dấu hiệu của thời thượng và đam mê nhất thời. Rồi đây tác phẩm ấy chẳng còn gì đáng lưu lại nữa. (Hầu hết nghệ thuật chẳng phải thế sao?). Tuy thế ta cũng có thể còn thưởng ngoạn được những gì vĩ đại trong tác phẩm ấy. Nhưng không nên đánh mất mình trong ấy và trở thành tín đố của thế giới Dehmel, một thế giới đầy xao xuyến hãi hùng, đầy trụy dâm ngoại tình, đầu hỗn loạn bất trắc. Thế giới trong tác phẩm của Dehmel xa lìa hẳn những số mệnh thực thụ của kiếp người, đó chỉ là màn kịch tạm bợ chóng qua, trái hẳn những số mệnh thực sự đã từng gây đau đớn hãi hùng cho ta, nhưng tạo dịp cho ta cao lớn và đối mặt với sự trì cửu của thời gian.

Sau hết nói về những quyển sách của tôi viết, tôi đã từng muốn gửi cho ông những gì có thể làm vui lòng ông. Nhưng tôi vốn rất nghèo và những tác phẩm của tôi không còn thuộc về tôi nữa, mỗi khi những quyển ấy đã được xuất bản. Tôi cũng không thể đi mua những quyển ấy nữa, như nhiều lúc tôi muốn làm thế để tặng bạn bè. Thôi, tôi chỉ xin ghi lại một bảng nhan đề (và nhà xuất bản) về những tác phẩm tôi cho xuất bản gần đây (tất cả đã được xuất bản khoảng chừng 12 hoặc 13 quyển). Thôi tôi xin để ông tự lo liệu mua lấy lúc nào tiện dịp. Tôi rất sung sướng nếu biết rằng những quyển sách của tôi nằm trong tay ông.

Thân ái,

RAINER MARIA RILKE

Đọc đầy đủ bản convert được dịch hay nhất truyện Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ TuổI